Gỗ công nghiệp là gì?
Tổng giám đốc Công ty gỗ An Cường đã chia sẻ về định nghĩa gỗ công nghiệp theo cách rất dễ hiểu như sau:
“Rất đơn giản: cái gì không phải tự nhiên, tức là công nghiệp. Bất cứ loại gỗ nào có sử dụng keo hoặc hóa chất để làm ra tấm gỗ đó thì được gọi là gỗ công nghiệp. Hầu hết gỗ công nghiệp được làm từ nguyên liệu tận dụng, tái sinh hay cành ngọn của gỗ rừng trồng để sản xuất. Thành phần chính vẫn là dăm gỗ (để sản xuất ván dăm), sợi gỗ (để sản xuất ván MDF), các lớp gỗ mỏng (để sản xuất ván ép, gỗ dán), các miếng gỗ nhỏ (dùng để sản xuất gỗ ghép). Tên quốc tế của gỗ công nghiệp là Wood-Based Panel.”
Gỗ công nghiệp được ứng dụng phổ biến trong nội thất
Trên thực tế, gỗ tự nhiên ngày càng khan hiếm và có giá thành rất cao do hầu hết phải nhập khẩu hoặc do khai thác trái phép. Ngoài ra, chi phí giá công gỗ tự nhiên cũng rất tốn kém do trải qua nhiều công đoạn cắt, xẻ, bào, xử lý bề mặt, xử lý chống mối mọt, v.v…
Ngược lại, gỗ công nghiệp thường có giá thành rẻ hơn rất nhiều nhờ dễ sản xuất hàng loạt, chi phí nhân công ít và có thể được cắt tấm, xử lý bề mặt sẵn. Bên cạnh đó, gỗ công nghiệp thường ít cong vênh, co ngót hơn so với gỗ tự nhiên và đa dạng về hoa văn, màu sắc bề mặt nên dễ sử dụng để sản xuất đồ nội thất nên rất phổ biến, đặc biệt cho nội thất văn phòng. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của gỗ công nghiệp là độ bền thấp, chịu ảnh hưởng của các loại phụ kiện có thể làm hỏng gỗ, hoặc các nhược điểm lý hóa như dễ thấm nước, độ cứng thấp, v.v…
Gỗ công nghiệp – Xu hướng mới trong thiết kế nội thất hiện đại
Trong các công trình thi công nội thất, chi phí của các loại vật liệu thường chiếm từ 60 – 80% tổng chi phí, đồng thời cũng quyết định tới 80 – 90% chất lượng công trình. Ứng dụng vật liệu gỗ công nghiệp một cách hợp lý sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, độ thẩm mỹ cao mà vẫn đảm bảo công năng và độ bền khi sử dụng.
Có rất nhiều chủng loại gỗ công nghiệp khác nhau
Việc sử dụng gỗ công nghiệp cũng cho tốc độ thi công nhanh nhờ dễ dàng cắt ghép, dán, không mất công bào xẻ hoặc làm mịn bề mặt như gỗ tự nhiên.
Đồng thời, việc sử dụng gỗ công nghiệp cũng giúp giảm các tác hại đến môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng, do chỉ sử dụng bột gỗ, dăm gỗ hoặc các loại gỗ thừa, gỗ vụn.
Các chủng loại gỗ công nghiệp phổ biến hiện nay
- Gỗ Veneer
Bản chất gỗ veneer là gỗ tự nhiên (thường là gỗ sồi hoặc gỗ xoan đào) được lạng thành lát rất mỏng. Nhờ có hoa văn bề mặt đẹp mắt, gỗ veneer thường được sử dụng với mục đích dán phủ bề mặt cho các tấm gỗ công nghiệp như mặt bàn, mặt tủ, mặt vách.
Gỗ Veneer
Ưu điểm của loại gỗ này là dễ gia công, vân gỗ đẹp và tự nhiên.
Nhược điểm: Dễ nứt vỡ, trầy xước và thời gian sử dụng ngắn.
- Gỗ PW (Plywood) – Gỗ ván ép, hay còn gọi là gỗ dán
Nhiều tấm gỗ đã lạng mỏng được dán ép lại để tăng khả năng chịu lực được gọi là gỗ ván ép. Chúng thường được dán phủ veneer bề mặt ngoài để tăng tính thẩm mỹ, sau đó sơn phủ PU để chống trầy xước và chống ẩm.
Quá trình sản xuất gỗ ván ép thường trải qua nhiều công đoạn: Xử lý hấp, sấy đến cưa, bào phay, ghép, ép, chà và sơn phủ trang trí. Để ghép các tấm ván mỏng với nhau, nhà sản xuất có thể ghép song song, ghép mặt, ghép cạnh hoặc ghép giác để tăng tính chịu lực và phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau.
Gỗ dán PW
Ưu điểm của gỗ dán là dễ thi công, giá rẻ, sử dụng được cho nhiều mục đích đơn giản nhưng phổ biến nhất là vách gỗ.
Nhược điểm của gỗ dán là rất kị nước do dễ bong keo giữa các lớp gỗ.
- PB - Ván gỗ dăm
Ván gỗ dăm được sản xuất từ dăm gỗ của các loại gỗ trồng thu hoạch như bạch đàn, gỗ keo, co su, gỗ thông, qua quá trinh ép các dăm gỗ đã trộn keo kết dính. Ván gỗ dăm rất phong phú về chủng loại, được phủ bề mặt melamine hoặc veneer, dùng trong trang trí nội thất và sản xuất các đồ dùng đơn giản cần bề mặt gỗ lớn như bàn, tủ, kệ công nghiệp.
Ván gỗ dăm
Ưu điểm của ván gỗ dăm là dễ thi công với nhiều kích thước khác nhau.
Nhược điểm của chúng là thấm nước, rất dễ bở, mục khi gặp nước.
- Gỗ MFC
Gỗ MFC cũng có lõi gỗ là gỗ dăm ép trộn keo như PB, sử dụng các loại gỗ thu hoạch ngắn ngày được nghiền vụn, bề mặt phủ nhựa melamine. Nhờ đó, chúng có chất lượng lý tính cao hơn ván gỗ ép như độ cứng cao hơn, không thấm nước bề mặt do hoàn toàn không sử dụng gỗ phế phẩm.
Gỗ MFC
Loại gỗ này cũng được sử dụng nhiều cho bàn ghế, tủ kệ văn phòng, tuy nhiên cần hạn chế tiếp xúc với nước để tránh bị phồng, giảm độ bền khi sử dụng.
- Gỗ MDF – Gỗ ép
Khác với gỗ MFC hay PB, PW, gỗ MDF có độ bền cơ lý cao, kích thước tấm lớn và được trang bị thêm nhiều ưu điểm trong quá trình sản xuất nên rất phù hợp với môi trường khí hậu nhiệt đới.
Gỗ MDF được ép từ các sợi gỗ đã xay nhuyễn trộn keo kết dính. Đồng thời, nhà sản xuất bổ sung thêm keo chống thấm để tạo ra gỗ MDF chịu nước, ứng dụng ở các nơi có độ ẩm cao như cửa phòng tắm, cửa nhà bếp, tủ bếp công nghiệp. Hoặc gỗ MDF trơn là loại phổ biến nhất, trước khi sản xuất đồ nội thất có thể phủ veneer rồi sơn PU, hoặc phủ melamine để tăng độ bền và tính thẩm mỹ.
Gỗ MDF
Ưu điểm của gỗ MDF là dễ thi công, bề mặt gỗ lớn. Cũng giống như các loại gỗ công nghiệp khác, gỗ MDF sợ nước. Các loại gỗ MDF chịu nước thường được nhập khẩu và cho giá thành khá cao.
- Gỗ HDF
Cũng là một loại gỗ công nghiệp phổ biến, gỗ HDF trải qua quá trình sản xuất cầu kỳ, phức tạp hơn nên có nhiều đặc tính cơ học vượt trội, ngược lại không làm mất đi tính thẩm mỹ nhờ tạo được các vân gỗ như gỗ tự nhiên. Chính vì vậy, gỗ HDF thường dùng để làm sàn gỗ công nghiệp, bàn ghế, tủ kệ hoặc dùng làm cửa cho phòng bếp, phòng ngủ, phòng học…
Để sản xuất gỗ HDF, các sợi gỗ xay nhuyễn trộn với keo đặc biệt phenol được ép trong áp suất và nhiệt độ rất cao. Bên trong ván HDF là khung gỗ xương ghép công nghiệp được sấy khô và tẩm hóa chất chống mọt, mối nên đã khắc phục được các nhược điểm nặng, dễ cong, vênh so với gỗ tự nhiên, đồng thời có khả năng cách âm và cách nhiệt rất tốt.
Gỗ HDF
Ưu điểm của gỗ HDF là dễ thi công, kích thước bề mặt gỗ lớn và chống sước, chống nước tốt. Giá gỗ HDF cao hơn các loại gỗ công nghiệp khác, nhưng vẫn ở trong mức chấp nhận được so với gỗ tự nhiên.
HDF đã khắc phục được hầu hết nhược điểm thấm nước của gỗ công nghiệp thông thường, tuy nhiên vẫn cần lựa chọn các hãng gỗ công nghiệp uy tín để tránh mua phải sản phẩm chất lượng kém.
Sử dụng gỗ công nghiệp như thế nào để tăng tuổi thọ?
Như 3S đã đề cập, nhược điểm lớn nhất của gỗ công nghiệp là tính thấm nước cao, nên cần xử lý bề mặt thật tốt, sơn nhiều lớp để nước không thấm vào cốt gỗ làm bở, mục gỗ. Đồng thời, hạn chế sử dụng đồ dùng gỗ công nghiệp ở nơi ẩm ướt như phòng tắm, phòng bếp hoặc các chi tiết dễ va đập, tác động nhiều hoặc chịu ảnh hưởng môi trường bên ngoài như cửa đi, cửa sổ.
Tuổi thọ của gỗ công nghiệp thường từ 5 – 10 năm, tuy thấp hơn gỗ tự nhiên, nhưng so với khấu hao sử dụng vẫn là lựa chọn có lợi về kinh tế. Nhờ chi phí rẻ, gia chủ cũng dễ dàng thay thế hoặc loại bỏ các loại đồ gỗ công nghiệp khi nhu cầu và sở thích thay đổi.
Trên đây, Kiến trúc & Nội thất 3S đã tư vấn đến bạn về ưu nhược điểm và phân loại các loại gỗ công nghiệp, cũng như ứng dụng chúng trong thiết kế thi công nội thất. Hãy tham khảo thêm các bài viết chia sẻ kiến thức nội thất khác của chúng tôi được gợi ý dưới đây, hoặc liên hệ ngay qua hotline 0988 640 776 - 0243 996 4455 để được tư vấn cụ thể và hoàn toàn miễn phí cho công trình của bạn.
Click để xem mẫu và ưu đãi của thiết kế nội thất nhà phố